Hiện nay trong hệ thống thờ Tứ phủ có 4 vị mẫu cai quản các phủ Thiên, Địa, Nhạc, Thoải. Bên cạnh các mẫu có 3 vị vua cha được thờ làm thần chủ các phủ là Ngọc Hoàng Thượng Đế (Thiên phủ), Bát Hải Động Đình (Thoải phủ) và Diêm vương (Địa phủ). Tuy nhiên như vậy còn khuyết vị trí vua cha của Nhạc phủ.
Vị trí vua của Nhạc phủ là có, được thỉnh đến trong bài Văn Công đồng:
Tận hư không giới thánh hiền
Dục giới sắc giới chư thiên đều mời
Vua Đế Thích quản cai Thiên chủ
Vua Ngọc Hoàng Thiên phủ chi tôn
Dương phủ ngũ nhạc thần vương
Địa phủ thập điện Minh vương các toà
Dưới Thoải phủ giang hà ngoại hải
Chốn Động Đình Bát Hải Long Vương…
Ngũ nhạc thần vương là ai? Không ai khác đó phải là Tản Viên Sơn Thánh.
Ngọc phả đức thánh Tản Viên ở Đền Và chép chi tiết việc bà Ma Thị Cao Sơn là mẹ nuôi của Tản Viên Nguyễn Tuấn đã làm chúc thư trao lại khu vực rừng núi từ sông Đà tới sông Lô cho Thánh Tản. Việc Sơn Thánh cai quản Thượng Ngàn như vậy còn có cả “văn bản” hẳn hoi:
“Sau khi Ma Thị tôi qua đời, Nguyễn Tuấn phải tuân lệnh giữ mọi vật ở trong núi, quyền đó mãi mãi không được thay đổi, lưu truyền vạn đại…”
Ngọc phả đền Và kể khi giao tranh với Thủy Tinh thì Sơn Thánh đã “niệm thần chú … núi Ngũ nhạc nổi lên trên mặt sông cao đến mấy nghìn vạn trượng”.
“Ngũ nhạc” không phải là 5 ngọn núi nào đó ở bên Tàu. Ngũ (số 5) là con số trung tâm của Hà Lạc. Ngũ Nhạc nghĩa là ngọn núi ở trung tâm, nơi có vua. Ngọn Ngũ nhạc của thần vương Sơn Tinh là núi Tản Lĩnh (Ba Vì).
Ngọc phả trên còn có đoạn: “Vua (Hùng) … gia phong cho Sơn Thánh làm Nhạc Phủ Kiên Thượng Đẳng…”.
Như vậy rõ ràng Tản Viên Sơn Thánh là thần vương của Nhạc phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ.
Ngọc phả lại có đoạn: “… Từ đó phụng mệnh Hoàng Đế thường cùng với Tứ phủ Công đồng ở trên hải đảo đi tuần xét muôn việc trong nhân gian”.
Đoạn trích này cho biết người đứng đầu Tứ phủ Công đồng là Hoàng Đế. Điều này nghĩa là vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế của Thiên Phủ là Hoàng Đế Hiên Viên, người được nhắc đến ở đầu Đại Việt sử ký toàn thư: “Thủa Hoàng Đế mở muôn nước…”.
Cổng Bắc cung Tản Viên (Đền Thính) ở Yên Lạc – Vĩnh Phúc.
Cũng trong thần tích Thánh Tản đã dùng cây gậy thần cứu sống con rắn là Thuỷ Tinh, con của Động Đình Đế Quân, rồi đi xuống thăm thuỷ phủ, được tặng thêm quyển sách ước… Lại theo truyện cũ ở sách Giao Châu ký của Lỗ Công thì “đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui ở với loài thủy tộc ở đất Gia Ninh …” (theo Lĩnh Nam chích quái).
Đoạn này là một cách kể khác của chuyện Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long Động Đình. Xích Lân Long Nữ là Mẫu Thoải, thần chủ của Thoải phủ, trong truyền thuyết Tản Viên đã được chép là Thuỷ Tinh.
Tiếp đó là đến đoạn vua Hùng kén rể. Sơn Tinh là người đã dâng lễ vật lên trước nên được cưới Mỵ Nương. Lễ vật là voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.
Sơn Tinh được chọn làm rể nghĩa là Tản Viên đã tiếp nhận ngôi vị của vua Hùng theo lối truyền hiền. Đây là chuyện Đế Thuấn truyền ngôi cho Đại Vũ. Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao là hình ảnh Đại Vũ chia 9 châu với các cống vật của các châu (thiên Vũ Cống trong Kinh Thư). Số 9 được lặp lại tức là “cửu trùng”, chỉ Đại Vũ đã lên ngôi cai quản toàn thiên hạ.
Truyền thuyết kể tiếp, Thủy Tinh đến muộn, không lấy được Mỵ Nương (không chiếm được vương vị) nên đã dâng nước đánh Sơn Tinh… Có thể thấy Thủy Tinh lúc này không phải là Thủy Tinh được Sơn Tinh cứu sống và làm bạn lúc trước. Trận đánh giữa Thủy Tinh từ Động Đình chống lại Tản Viên là hình ảnh cuộc tranh đoạt vương quyền giữa ông Khải (con của Đại Vũ) với ông Bá Ích trong Hoa sử. Truyền thuyết Việt vùng đồng bằng ven biển chép là chuyện Vĩnh Công Bát Hải Động Đình đánh Thục. Còn truyền thuyết Hùng Vương chép là chuyện Lạc Long Quân – Âu Cơ thủy hỏa tương khắc, phải chia đàn con Bách Việt làm hai, một lên rừng một xuống biển. Dòng tộc Tản Viên là dòng Thục ở phía Tây (Tây Tản) của Âu Cơ. Kết thúc cuộc chiến Đông – Tây này là chiến thắng của Thục Phán – Âu Cơ dựng nước Văn Lang – Âu Lạc ở Tây Thổ Phong Châu. Đền miếu dòng Tản Viên mãi còn như trong câu đối ở đền Hùng:
“Hiển vu Tây Thổ, Tản Lô nhất đái thọ tân từ”.
Tản Lô là vùng Thượng Ngàn mà bà Ma Thị Cao Sơn đã để chúc thư lại cho Tản Viên cai quản.
Trong thần tích của Tản Viên Sơn Thánh có đủ các thần chủ của Tứ phủ từ Mẫu Thượng Ngàn (Ma Thị Cao Sơn), Ngọc Hoàng Thượng Đế (Hoàng Đế), Mẫu Thoải (Thủy Tinh 1) và vua cha Bát Hải Động Đình (Thủy Tinh 2). Tín ngưỡng Tứ phủ công đồng hình thành ở vùng đồng bằng sông Hồng, là vùng đất phía Đông do dòng Lạc Long nắm giữ. Có lẽ vì thế mà vai trò của Nhạc phủ, với thần chủ là Tản Viên Sơn Thánh, thuộc dòng tộc phía Tây (Thục) đã bị mờ nhạt đi trong tín ngưỡng này. Để tín ngưỡng Tứ phủ trở thành tín ngưỡng chung của người Việt ở đồng bằng cũng như vùng núi, để trăm người con cùng một bọc đồng bào, chung cha chung mẹ thờ đúng tổ tiên của mình thì cần xác nhận vị trí tôn chủ Nhạc phủ của Tản Viên Sơn Thánh.